Trong thế giới tràn ngập thông tin như hiện nay, việc thu hút sự chú ý và truyền tải thông điệp hiệu quả trở thành một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, trong cuốn sách Kể chuyện hay là chết vừa được Phương Nam Book phát hành, tác giả Lisa Cron đã đưa ra rất nhiều chiến lược hữu ích nhằm giúp độc giả có thể tạo ra những câu chuyện đầy sức hút.
Kể chuyện hay là chết không chỉ là cuốn sách dành cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, khao khát tìm kiếm giải pháp đột phá để truyền tải thông điệp và thay đổi thế giới quan của người khác; mà còn là cuốn sách dành cho những ai có mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình một cách hiệu quả và chạm đến trái tim người nghe. Nói cách khác, cuốn sách này không có đối tượng giới hạn; bởi lẽ, khao khát kể chuyện, khao khát được lắng nghe luôn là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt được kĩ năng kể chuyện.
Lisa Cron mở đầu tác phẩm Kể chuyện hay là chết bằng một câu châm ngôn của người Hopi: “Người biết kể chuyện là người thống trị thế giới”. Ngay sau đó, bà dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện của chính mình, bắt đầu từ trải nghiệm đầy ức chế tại sân bay LaGuardia.
Mặc dù chuyến bay của bà đã bị hoãn vì thời tiết xấu, Lisa vẫn kịp đến Manhattan cho cuộc họp quan trọng. Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh, bà lại bị mắc kẹt tại sân bay LaGuardia – vốn lúc này đang trong quá trình đại tu với khung cảnh hỗn loạn, ồn ào. Sau khi xuống máy bay bằng cầu thang ọp ẹp, Lisa phải cuống cuồng tìm kiếm phương tiện di chuyển, chen chúc giữa dòng người đông đúc.
Mất hơn 40 phút chờ đợi xe buýt trung chuyển, Lisa gần như chắc chắn rằng mình sẽ lỡ cuộc họp quan trọng. Tuy nhiên, điều khiến bà thực sự khó chịu lại là đoạn thông báo được phát đi phát lại trên xe với giọng đọc đầy phấn khích, hào hứng giới thiệu về nhà ga mới đang xây sẽ có đủ loại tiện nghi hiện đại như muốn nói với hành khách rằng mọi sự chờ đợi, bất tiện ở thời điểm này đều là xứng đáng.
Tuy nhiên, theo Lisa, thông điệp mà ban quản lý sân bay muốn truyền tải hoàn toàn lạc lõng và phản tác dụng. Thay vì thể hiện sự đồng cảm với những hành khách đang mệt mỏi vì chuyến bay bị trì hoãn, họ lại mải mê khoe khoang về một tương lai lý tưởng. Sự thật là, chẳng ai quan tâm đến những điều xa xôi ấy khi bản thân còn đang chật vật với mớ cảm xúc hỗn độn: kiệt sức, bực bội, lo lắng vì có thể trễ hẹn.
Lisa nhận định rằng ban quản lý sân bay đã mắc một sai lầm rất phổ biến: Cho rằng chỉ cần cung cấp thông tin khách quan là đủ để thuyết phục người khác. Họ không hiểu rằng, con người thường hành động dựa trên cảm xúc, thay vì dữ kiện thông tin. Từ đó, tác giả khẳng định rằng để truyền tải thông điệp hiệu quả, trước tiên, ta cần phải đứng ở góc nhìn của người nghe và cho họ cảm giác được lắng nghe. Bởi lẽ, sẽ chẳng ai muốn nghe câu chuyện từ một người đã đem lại cho họ cảm giác không được tôn trọng.
Lisa Cron tin rằng để thuyết phục người khác về bất kỳ điều gì, chúng ta cần chạm đến câu chuyện của chính họ. Bằng cách kết nối với những trải nghiệm của người nghe, chúng ta mới có thể khiến họ cảm nhận được tầm quan trọng của thông điệp. Khi đó, câu chuyện không chỉ tác động đến suy nghĩ mà còn có khả năng thay đổi hành vi, thậm chí là thay đổi cả cuộc đời của một con người.
Để minh chứng cho luận điểm của mình, bà đã tường thuật lại một vấn đề nhức nhối tại Brazil năm 2013: nạn thiếu hụt người hiến tạng. Tình trạng này đã dẫn đến cái chết thương tâm của hàng ngàn người trong khi họ vẫn còn cơ hội được cứu sống. Đây không chỉ là vấn đề nan giải của riêng Brazil mà còn trên toàn cầu. Ngay cả ở Mỹ, quốc gia có nền y học phát triển, cũng chỉ có 40% người dân đồng ý hiến tạng.
Lisa chỉ ra rằng việc thuyết phục mọi người hiến tạng không hề đơn giản, bởi nó vấp phải vô số rào cản tâm lý: con người thường né tránh suy nghĩ về cái chết, lo sợ những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hiến tặng, và thậm chí còn bị ám ảnh bởi những suy đoán tiêu cực. Bà cho rằng những chiến dịch truyền thông khô khan, tập trung vào số liệu thống kê thường sẽ không có hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức và hành vi. Chúng mang đến cảm giác giáo điều, áp đặt, thậm chí là khiến người ta cảm thấy bị phán xét, bêu xấu. Thay vào đó, cần có một cách tiếp cận tinh tế hơn, chạm đến trái tim thay vì lý trí. Đây chính là lúc nghệ thuật kể chuyện cất lời.
Nhận thức được sự khó chịu của mọi người khi phải đối diện với vấn đề nhạy cảm như cái chết, công ty Ogilvy ở Brazil đã khéo léo lựa chọn một hướng đi khác bằng chiến dịch “Fan hâm mộ Bất tử”. Thay vì thuyết phục trực tiếp, công ty đã tập trung vào đối tượng mục tiêu – những người hâm mộ cuồng nhiệt câu lạc bộ bóng đá Sport Club Recife để khai thác niềm đam mê mãnh liệt của họ. Từ đó, Ogilvy Brazil đã khéo léo lồng ghép thông điệp hiến tạng vào câu chuyện về lòng trung thành bất diệt của người hâm mộ bóng đá, khơi dậy niềm tự hào và khát khao được tiếp tục cống hiến cho đội bóng mình yêu thích, ngay cả sau khi qua đời.
Chiến dịch “Fan hâm mộ Bất tử” đã gặt hái thành công ngoài mong đợi, truyền cảm hứng cho hàng ngàn người hâm mộ đăng ký hiến tạng và góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiến tặng tại Brazil. Từ câu chuyện của Ogilvy Brazil, Lisa Cron một lần nữa khẳng định sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện trong việc kết nối, lay động và tạo nên sự thay đổi.