Nghệ nhân Trường Lộc: Từ mơ ước trở thành nghệ sĩ cải lương rẽ sang nghệ nhân chế tác đạo cụ sân khấu

Nghệ nhân chế tác đạo cụ sân khấu Trường Lộc: Người đứng sau ánh hào quang, âm thầm cống hiến cho nghệ thuật.

 

Tuy không thể đứng trên sân khấu với vai trò là nghệ sĩ cải lương nhưng nghệ nhân Trường Lộc lại là người đứng sau, âm thầm tạo nên các đạo cụ quan trọng trong các vở diễn.

 

Nghệ nhân chế tác đạo cụ sân khấu Trường Lộc là người “phù phép” biến nhiều vật dụng đời thường trở thành những đạo cụ hữu dụng trên sân khấu. Với hơn 30 năm gắn bó cùng nghề, nam nghệ nhân được mệnh danh là “phù thủy đạo cụ” nhờ sự tỉ mỉ và khéo léo trong từng đạo cụ, góp phần không nhỏ vào sự thành công của các vở diễn. Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều, nghệ nhân Trường Lộc chia sẻ về hành trình đến với nghề cũng như câu chuyện phía sau ánh đèn sân khấu, đặc biệt là quá trình chế tác đạo cụ biểu diễn.

 


Là cháu ruột của nghệ nhân Trường Quang và là em trai của NSƯT Trường Sơn, nghệ nhân Trường Lộc từ nhỏ thừa hưởng dòng máu đam mê nghệ thuật từ gia đình. Năm lên 11 – 12 tuổi, Trường Lộc học cải lương ở đoàn Đồng Ấu Bạch Long. Tuy nhiên vì không có chất giọng lẫn ngoại hình nên Trường Lộc được NSƯT Bạch Long khuyên anh chọn một con đường khác liên quan đến nghệ thuật nếu còn yêu bộ môn này.

 

Khi ấy, nghệ nhân Trường Lộc chuyển sang học làm đạo cụ sân khấu dưới sự hướng dẫn của cậu mình là NSƯT Trường Sơn. Tuy nhiên NSƯT Trường Sơn không trực tiếp chỉ dạy cho nghệ nhân Trường Lộc mà bảo anh quan sát, học theo và tự làm ra sản phẩm của mình để cậu nhận xét góp ý. Bởi NSƯT Trường Sơn cho rằng nếu dạy nghề thì sẽ không bao giờ thành nghề, chỉ có đam mê và bắt tay vào thực hiện cũng như lắng nghe nhận xét mới có thể theo đuổi lâu dài.

 

Nhờ lòng đam mê và quyết tâm, nghệ nhân Trường Lộc bắt đầu làm một búi tóc giả cho NSƯT Trường Sơn góp ý. Từ đó, nam nghệ nhân dần theo nghề chế tác đạo cụ sân khấu và theo cha giữ đạo cụ cho đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ vào năm 13 tuổi. Đến năm 18 tuổi, nghệ nhân Trường Lộc chính thức được nhận làm nhân viên trong đoàn cải lương Minh Tơ và nhận được tiền lương như bao người khác.

 

Không dừng lại tại đó, nghệ nhân Trường Lộc luôn mài giũa và phát huy tay nghề của mình. Năm 28 – 29 tuổi, nghệ nhân Trường Lộc làm cặp kiếm đầu tiên cho NSƯT Bạch Long để biểu diễn trong vở Trưng Trắc Trưng Nhị. Khi đó, nghệ nhân Trường Lộc hoàn toàn làm kiếm thủ công bằng tay mà không có sự hỗ trợ của máy móc. Dần dần, nam nghệ nhân còn làm đạo cụ này cho nhiều đoàn khác. Sau đó, nghệ nhân Trường Lộc lại bắt tay vào làm mũ mão với chất liệu bằng giấy và hoàn toàn thủ công. Mãi đến sau này mới có thêm nhiều công cụ hỗ trợ và nhiều mẫu mã.

 

Để chế tác đạo cụ sân khấu không chỉ cần một đôi bàn tay tài hoa mà còn có cả sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa. Nghệ nhân Trường Lộc cho biết binh khí trong phim kiếm hiệp đôi khi không đúng với lịch sử Việt Nam. Cụ thể, thanh kiếm Việt Nam là kiếm cong và tượng của Đức Thánh Trần Hưng Đạo có những thanh kiếm chuẩn Việt Nam nên nghệ nhân Trường Lộc thường dựa trên tiêu chuẩn này, cũng như tìm hiểu thêm những tư liệu lịch sử khác để chế tác đạo cụ phù hợp với chính sử Việt.

 

Nghệ nhân Trường Lộc lấy thêm ví dụ về bình rượu Việt Nam. Theo nam nghệ nhân, ngày xưa đa số dân thường hay nghĩa quân không dùng bình rượu mà chỉ dùng bầu rượu. Trong đó, bầu đựng rượu được làm từ chính vỏ quả bầu. Riêng chỉ có vua chúa được các nước dâng cống phẩm thì mới có bầu rượu hay bình rượu đẹp.

 

Đối với mũ mão cũng tương tự, nghệ nhân Trường Lộc cho biết anh thường dựa theo những tượng hình ngày trước để thực hiện. Đến khi Internet phát triển, nghệ nhân Trường Lộc mới biết hình dáng mũ mão của ngày xưa như thế nào. Theo tiết lộ của nam nghệ nhân, mũ mão của người Việt đặc biệt ở chỗ có một mũi giáo và tùy theo địa vị mà các loại mũ mão có hoa văn khác nhau như mão quan văn, mão quan võ, mão tướng,…

 

Mũ mão không chỉ thể hiện địa vị mà còn toát lên tính cách của từng nhân vật, giúp khán giả nhận diện được vai trò của từng nghệ sĩ trên sân khấu. Nghệ nhân Trường Lộc cho biết: “Một cách hóa trang khác là đội mão thì khán giả biết nhân vật đó nịnh hay gian ác”.

 

Về hóa trang râu, nghệ nhân Trường Lộc cho biết ngày trước thường làm râu giả bằng cách xé sợi vải satin rồi dán lại với nhau bằng mủ cây mít vì không có keo. Sau này thì dùng bố trét ghe tàu nhuộm thành màu đen và dán làm râu. Tuy nhiên mỗi lần dán lên mặt của diễn viên rất cực vì mùi hôi của mủ mít rất khó chịu. Song vì vai diễn nên nghệ sĩ buộc phải hóa trang như vậy. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, việc chế tác râu trở nên dễ dàng hơn và chân thực hơn nhưng nghệ nhân Trường Lộc vẫn không quên những tháng ngày chế tác xưa cũ đầy gian khó.

 

Cuối chương trình Kính Đa Chiều, host Lê Hoàng gửi lời cảm ơn đến nghệ nhân Trường Lộc, người đứng sau ánh hào quang sân khấu, âm thầm cống hiến cho nghệ thuật với đôi tay tài hoa, khéo léo.

 


Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

 

Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Đưa tranh gạo đến thị trường với sự tham gia của host Minh Đức và khách mời Ngọc Quỳnh sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 14/10 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.