Sau 4 năm triển khai dự án “Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông dân hộ nhỏ theo định hướng thị trường”, 10.000 hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ghi nhận những cải tiến vượt trội trong chất lượng lúa gạo, từ đó, giúp cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân.
Ngày 21/9, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển Đức tổ chức Hội thảo “Tổng kết Dự án Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông dân hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC)".
Mục tiêu của Dự án là cải thiện sinh kế của 10.000 hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách cung cấp một số giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường. Trong đó, phát triển tổ chức nông dân và xây dựng năng lực hợp tác của các chủ thể trong chuỗi giá trị, quan hệ đối tác công tư là nội dung trọng tâm của dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2022 tại 4 tỉnh, TP: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Cục Phó Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tiến đánh giá cao những nỗ lực của các bên đối tác trong việc xây dựng bộ giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường, đặc biệt phát triển năng lực của nông dân, tổ chức hội nông dân trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Những thành công và bài học từ dự án sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quá trình chỉ đạo, xây dựng điều chỉnh chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trong cả nước.
Sau 4 năm triển khai dự án, 10.000 nông dân ở ĐBSCL đã tăng 17% thu nhập thông qua các hỗ trợ của dự án; hầu hết nông dân hộ nhỏ tham gia dự án đã ghi nhận điểm đánh giá tăng hơn 50% theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), tiêu chuẩn bền vững tự nguyện đầu tiên trên thế giới cho sản xuất lúa gạo.
Một số nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt. Đặc biệt, 150.000 tấn gạo của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được sản xuất, tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường như Châu Âu và Mỹ.
“Dự án MSVC có được những thành công nói trên nhờ việc thực hành canh tác bền vững của người nông dân và sự hỗ trợ chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, các cơ quan ban ngành địa phương tại bốn tỉnh dự án. Olam Agri Việt Nam đặt cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi vô cùng tự hào vì đã góp phần cải thiện chất lượng và tính an toàn của hạt gạo được sản xuất tại Việt Nam, từ đó, giúp mở ra thị trường quốc tế mới cho Việt Nam tại châu Âu và Mỹ”, ông Mohit Agarwal - Tổng Giám đốc Olam Agri Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, thách thức như tiêu chí của SRP nhiều, khó áp dụng được hoàn toàn (xử lý rơm, quản lý nước, bảo hộ lao động, kho chứa); khó giảm lượng giống, phân bón, thuốc do sâu bệnh, đất đai kém màu mỡ và sản xuất nhiều vụ. Cạnh đó, vật tư đầu vào, phân bón giá thành tăng cao, đầu ra không ổn định, giá lúa không cao, nông dân chưa quen với việc ghi chép…