Độc đáo kịch sinh viên báo chí: Khi cổ tích không dành cho trẻ em

Tháng 12 năm 2023, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn (SKKBCNV) chính thức công diễn tác phẩm “Đạo Chích & Quốc Vương” tại Hội trường Văn Khoa (ĐH KHXH&NV cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q.1). Cảm tác từ những câu chuyện cổ tích xưa cũ kết hợp với thông điệp về xã hội hiện đại, vở diễn hứa hẹn mang đến cho khán giả những khoảnh khắc bất ngờ và nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống. 

 

Từ ý tưởng “mượn chuyện xưa để nói chuyện nay”

 

Đạo Chích & Quốc Vương (Tác giả: Nguyễn Đức Huy; Dàn dựng: Đức Huy - Như Võ) là vở diễn mang màu sắc dân gian, được cảm tác từ những truyện cổ tích quen thuộc: Đúc Người, Quận Gió, và Dã Tràng. Tác phẩm kể về hành trình Quận Phong – một tên cướp trượng nghĩa, tình cờ đụng độ với chàng học trò nghèo vốn là Đức Vua cải trang để thị sát cuộc sống người dân. Cả hai bị cuốn vào một vụ trộm vàng kỳ lạ, từ đó phát hiện ra bí mật động trời về số phận bản thân và vận mệnh đất nước. 



Xuyên suốt vở kịch, khán giả sẽ được gặp gỡ những nhân vật quen thuộc bước ra từ cổ tích nhưng với diện mạo và tâm tính khác lạ hơn. Sẽ ra sao nếu cuộc đời họ không giống những gì chúng ta đã biết? Và sẽ ra sao nếu họ bỗng dưng va vào nhau? Trong số họ ai mới thật sự là người lương thiện? Và ai là kẻ thủ ác đang mang trên mình chiếc mặt nạ để đánh lừa người khác? 

 

Tác giả đã xây dựng câu chuyện trong bối cảnh một quốc gia thái bình thịnh trị, với một vị vua anh minh và triều thần hết mực thương dân. Ngờ đâu những thứ tốt đẹp đó chỉ là tấm vải lụa lộng lẫy được dùng để che đậy đi những u nhọt của xã hội. 



Nguyễn Đức Huy (Tác giả và dàn dựng) chia sẻ: “Chúng mình muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. Những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại như tình nghĩa đồng bào, lòng trắc ẩn, thói vô ơn… sẽ được thể hiện thông qua loạt chi tiết châm biếm tuy dí dỏm mà sâu cay. Như chi tiết vợ chồng quan phụ mẫu tạ ơn Thần Tài vì đã ban cho một cơn bão khiến họ vơ vét được tiền cứu trợ; như khi họ nói về con đê biển sau một cuộc “rút ruột công trình”; hay như khi một Tú Bà hết thời ‘trải lòng’ về đời sống phóng túng của những kẻ truỵ lạc…”. Vô vàn thói hư tật xấu và cả tội ác của nhân vật sẽ được đả kích đến tận cùng. Sau vở diễn, những tiếng cười qua đi nhưng chắc chắn sẽ có những suy ngẫm ở lại.



Đạo Chích & Quốc Vương còn tạo nên khác biệt khi lựa chọn cách kể song song hai tuyến truyện. Bên cạnh phi vụ trộm vàng của Quận Phong và Đức Vua, còn có câu chuyện về lão thợ đúc người kỳ tài được Vua gọi vào hoàng cung để thực hiện một nhiệm vụ bí mật và rồi mãi mãi không trở về. “Hai dòng thời gian được trình bày xen kẽ nhau, những tình tiết được lật mở liên tục. Trước 26 cảnh kịch với diễn tiến ly kỳ và thót tim, khán giả sẽ được tận tay nhặt lấy những manh mối để tự xâu chuỗi và suy đoán sự thật trước khi đại cuộc phơi bày.” - Tác giả Nguyễn Đức Huy chia sẻ thêm.

 

Đến “vũ trụ kịch dị bản cổ tích”

 

Đạo Chích & Quốc Vương không đơn thuần chỉ là một tác phẩm trong Mùa diễn của SKKBCNV, mà còn là tác phẩm nằm trong “vũ trụ kịch dị bản cổ tích”, cùng với vở Trái Tim Hoá Thạch đã được công diễn và tái diễn trước đó.

 


Như Võ (Dàn dựng tác phẩm) cho hay: “Chúng mình luôn nỗ lực đổi mới và đa dạng hóa các tác phẩm kịch nói. Bởi mỗi chủ đề, thể loại đều có cái hay riêng. Song, chúng mình cũng muốn tạo được những ‘từ khóa’ ấn tượng về sân khấu để ghi sâu vào tâm thức khán giả. Vì vậy, ý tưởng cho một mùa diễn có ‘concept’, có chủ đề phổ quát đã đến và ‘vũ trụ kịch dị bản cổ tích’ ra đời với hai tác phẩm tiên phong là Trái Tim Hóa Thạch và Đạo Chích & Quốc Vương. Khán giả không cần phải xem vở này để hiểu vở kia mà cốt lõi là sự liên kết về thông điệp, chất liệu và phong cách dàn dựng.”

 

Với sự thể nghiệm này, sân khấu cũng có thể khoanh vùng được những đối tượng khán giả đặc biệt của mình ở hiện tại và trong tương lai, góp phần tạo nên tư duy sáng tạo liền mạch cho mọi người, tận dụng và tái sử dụng được những vật lực (đạo cụ, cảnh trí) sẵn có trong một mùa diễn.


Và những nỗ lực tạo nên một tác phẩm chỉn chu

 

Đạo Chích & Quốc Vương là vở diễn có bối cảnh dân gian, nên tạo hình nhân vật, cách diễn đạt, đài từ, hành động… của diễn viên đều có sự khác biệt so với hầu hết các vở diễn CLB từng tổ chức trình diễn. Điều đó đòi hỏi các diễn viên không chuyên phải nghiên cứu và trau dồi cả về cảm nhận cá nhân lẫn kỹ thuật biểu diễn để màn hóa thân được trọn vẹn.

 

Không chỉ vậy, chuẩn bị cảnh trí và đạo cụ cho Đạo Chích & Quốc Vương cũng là một thách thức không nhỏ. Thiết kế sân khấu của vở mang phong cách ước lệ nhưng vẫn có một khối lượng đồ sộ những phông nền, khuôn đúc, miếu Thần Tài, hầm vàng, hòn non bộ, ghềnh đá... cần tạo tác. Mọi thứ phải vừa thẩm mỹ, vừa gợi được liên tưởng cho khán giả, vừa phải được tư duy thiết kế thông minh để chuyển cảnh được liền mạch.




Phan Anh Toàn (Thành viên tổ Sản xuất) chia sẻ: “Đa số cảnh trí và đạo cụ đều không có mẫu cụ thể cũng như khó tìm ở thời hiện đại. Cảnh trí lớn nhất đến đạo cụ nhỏ nhất đều được tự làm bởi chính các thành viên trong CLB. Hiện thực hóa những thứ có trong câu chuyện xa xưa mà tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng là điều bản thân mình và các bạn trong ban cảm thấy hứng thú”.

 

Song song đó, đội ngũ phục trang của vở diễn dành nhiều thời gian và công sức để phác thảo tạo hình và phục trang phù hợp với từng nhân vật từ trước ngày công diễn đến gần... 6 tháng. Nguyễn Võ Thanh Nhân (Thành viên tổ Phục trang) chia sẻ: “Chúng mình mong muốn mang nét đẹp Việt phục đến gần hơn với các bạn sinh viên. Trang phục vừa có những bộ tinh xảo, sang trọng vừa có những bộ rất dân dã. Đây là lần đầu tiên tụi mình phải tự tay may và trang trí cho hầu hết các bộ phục trang”.

 

Bằng đam mê với văn hoá Việt Nam, các bạn sinh viên Báo chí đã tỉ mỉ nghiên cứu, tìm tòi để trình bày một tác phẩm đậm đà màu sắc dân gian trên sân khấu kịch nói. Vở diễn Đạo Chích & Quốc Vương thật sự là cột mốc quan trọng đánh dấu sự sáng tạo, bứt phá lựa chọn hướng đi riêng của Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn. 

 

---

 

Dự án Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn thuộc CLB Kịch Khoa Báo Chí & Truyền Thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG-HCM. Qua hơn 6 năm hoạt động, CLB đã “trình làng” thành công 5 vở kịch dài gây ấn tượng đặc biệt đối với khán giả, gần đây nhất là vở Nằm Khóc Một Mình công diễn hồi tháng 5/2023. 

 

Tất cả các thành viên trong CLB đều là sinh viên, cựu sinh viên Khoa Báo Chí & Truyền Thông, cùng nhau hoạt động từ 3-6 tháng trước khi công diễn, nỗ lực từng ngày với mong muốn mang tới những tác phẩm kịch ngày càng chỉn chu, giá trị và đọng lại cảm xúc cho khán giả.