‘Ngẫm’ lại cổ tích qua kịch sinh viên Báo chí

Tháng 11 - 12 năm nay, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn chính thức khởi động Mùa diễn 07, trình diễn 2 vở kịch dài “Trái Tim Hóa Thạch” và “Đạo Chích & Quốc Vương”. 

 

Lựa chọn chủ đề dị bản cổ tích với chất liệu dân gian, cốt truyện và các nhân vật quen thuộc nhưng các sinh viên Báo chí đồng thời mong muốn mang đến phong vị khác lạ, trao cho khán giả cơ hội suy tư thêm về “thế giới thần tiên” dưới góc nhìn người trưởng thành.

 

Không phải những mối tình lãng mạn hay câu chuyện dân sinh thân thuộc, Mùa diễn 07 - thuộc dự án Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn của CLB Kịch Khoa Báo Chí & Truyền Thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ mở ra không gian kỳ ảo, kịch tính với đề tài dị bản cổ tích qua 2 vở kịch dài “Trái Tim Hóa Thạch” và “Đạo Chích & Quốc Vương”.

 


Trước nay, khái niệm truyện cổ tích luôn được gắn với thiếu nhi bởi mang nhiều màu sắc, xen lẫn các bài học về thiện - ác, tình thân, tình người… Nói về lý do lựa chọn đề tài này để xây dựng thành kịch sinh viên, tác giả kiêm dàn dựng Nguyễn Đức Huy chia sẻ: “Cổ tích Việt Nam là một kho tàng với nhiều tác phẩm văn học quý giá. Các câu chuyện gợi mở thế giới dân gian nơi có những nhân vật điển hình trong xã hội, những hành trình và tình huống độc đáo, giàu thông điệp… Tất cả đã thành nguồn cảm hứng bất tận để xây dựng kịch bản cho hai tác phẩm”.

 

Theo Như Võ - diễn viên và đồng đạo diễn, Mùa diễn 07 với đề tài dị bản cổ tích mang màu sắc liêu trai, giàu tính châm biếm chứ không “màu hồng” như cách nó được khai thác cho trẻ em: “Truyện cổ tích khi được đọc lại ở mỗi độ tuổi lại mang đến một cảm nhận và suy tư khác nhau, luôn có gì đó thật kích thích và bí ẩn. Chúng mình muốn thử soi vào nhiều mặt câu chuyện, thử lộn trái, lật ngược các vấn đề”. 

 


“Trái Tim Hóa Thạch” sau khi nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả vào Mùa diễn 05 (tháng 5/2022), nay được tái diễn với diện mạo mới. Vở kịch kể về hành trình trốn khỏi Cung Trăng của chú Cuội, Hằng Nga và Thỏ Ngọc. Họ trở về hạ giới với những mục đích riêng: Hằng Nga muốn tìm và trả thù người chồng là Hậu Nghệ - kẻ đã giết hại cha mẹ cô và trao cho cô cuộc sống bất tử đầy thống khổ. Trong khi đó, Cuội mong gặp lại và bù đắp cho vợ con mình, còn Thỏ Ngọc thì “rơi vào lưới tình” với một chàng trai nhiều bí mật tên Thanh Quân. 

 

Xuyên suốt vở kịch, cả 3 nhân vật đều bị chi phối bởi nỗi dằn vặt, sự vô cảm và niềm khát cầu hạnh phúc. Bằng việc khai thác hình ảnh “cắm cọc xây tù” ở thiết kế sân khấu, tác giả ẩn ý về một “nhà tù” giam giữ cảm xúc và tình thương của các nhân vật. Các cảnh múa hồi tưởng về nỗi thống khổ của Hằng Nga được dàn dựng xen lẫn cũng góp phần gia tăng hiệu quả nghệ thuật cho vở diễn. 

 


Tác giả Đức Huy chia sẻ: “Các nhân vật trong vở kịch đều mải miết đuổi theo những thứ vô nghĩa như khát khao trả thù, cây đa thần, vinh hoa phú quý… mà quên mất rằng, khi dòng thời gian khắc nghiệt trôi qua, từng cuộc đời ngã xuống, trời đất thay đổi đến tận cùng, thì chỉ có ‘trái tim’ mới là thứ duy nhất còn sót lại và được trao đi giữa con người với nhau trong cuộc đời. Qua đó, chúng mình mong muốn phản ánh về sự vô cảm trong xã hội hiện đại dưới lớp áo của một dị bản cổ tích, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay”. 

 

Về những thách thức trong khâu chuẩn bị, đạo diễn Như Võ nói: “Dị bản là phá vỡ hình tượng mẫu nên nó có thể trở nên khó chấp nhận với nhiều khán giả. Khi thâm nhập vào thế giới cổ tích, người dàn dựng cũng phải cho mình chuyến du hành thời gian để quay ngược về quá khứ, cân đo đong đếm sao cho thể hiện được tinh thần truyền thống nhưng vẫn làm bật lên được những thông điệp gần gũi với con người hiện đại”. 



Trong khuôn khổ Mùa diễn 07, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn còn công diễn một vở mới toanh mang tên “Đạo Chích & Quốc Vương”. Đây là vở kịch dài được lấy cảm hứng từ 3 truyện cổ tích mà người Việt thuộc nằm lòng: Đúc Người, Quận Gió và Dã Tràng. Tác phẩm là hành trình Quận Phong - một tên cướp trượng nghĩa, đụng độ với chàng học trò vốn là Đức Vua cải trang để thị sát cuộc sống người dân. Cả hai bị cuốn vào một vụ trộm kỳ lạ, từ đó phát hiện ra bí mật động trời về thân phận bản thân và vận mệnh đất nước.

 

Với đề tài dị bản cổ tích, cốt truyện ly kỳ, ám ảnh cùng sự tâm huyết dành cho “Trái Tim Hóa Thạch” và “Đạo Chích & Quốc Vương”, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn hứa hẹn tạo nên Mùa diễn 07 đậm chất riêng và chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa gửi đến quý khán giả. 


 

Dự án Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn thuộc CLB Kịch Khoa Báo Chí & Truyền Thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, mỗi năm có 2 Mùa diễn với 1 hoặc 2 tác phẩm kịch dài mỗi mùa. Tất cả các thành viên trong CLB đều là sinh viên, cựu sinh viên Khoa Báo Chí & Truyền Thông, cùng nhau hoạt động từ 3-6 tháng trước khi công diễn, nỗ lực từng ngày với mong muốn mang tới những tác phẩm kịch ngày càng chỉn chu, giá trị và đọng lại cảm xúc cho khán giả.