Với chủ đề Khả năng tiếp thị thơ trong tập 43 chương trình Kính Đa Chiều, host Lê Hoàng và nhà thơ Phong Việt cùng bàn luận về lý do thơ ca – một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo và nhân văn nhưng lại gặp khó khăn trong việc thương mại hóa tiếp cận thị trường.
Mở đầu chương trình, host Lê Hoàng và nhà thơ Phong Việt đều đồng tình về quan điểm thơ ca là một vật phẩm có giá trị ý nghĩa đặc biệt về đời sống tinh thần. Nam đạo diễn chia sẻ: “Với tư cách một người yêu văn học, tôi thấy thơ có giá trị lắm. Hồi bé mình học trong trường với những câu thơ vang đi vang lại. Một người giáo viên giỏi là người luôn dùng thơ để dẫn chứng. Tôi gặp cô gái thuộc nhiều bài thơ, tôi nể lắm, còn gặp cô gái có nhiều áo đẹp chắc gì tôi nể. Thơ có giá trị là điều chắc chắn, không có gì phải nghi ngờ và nhà thơ cũng tương tự như vậy. Không người Việt Nam nào không thuộc thơ”.
Tuy thơ ca Việt Nam mang nhiều giá trị nghệ thuật và đi vào lòng người là vậy nhưng hiện nay số lượng bán ra lại rất ít, thậm chí các hiệu sách in thơ để bán cũng không nhiều. Giải thích về việc các tập thơ khó bán chạy, nhà thơ Phong Việt cho rằng nguyên nhân một phần đến từ định kiến của người Việt Nam. “Chúng ta vẫn hay nói người đọc thơ là người sống không thực tế, khá sến súa và bay bổng nên trong suy nghĩ mặc định của nhiều người rằng khi đi mua và đọc thơ đồng nghĩa không được bình thường. Ngoài ra, tôi nghĩ những quyển sách thơ của chúng ta chưa chạm được đến cảm xúc số đông”, cha đẻ tập thơ Sinh ra để cô đơn chia sẻ.
Giữa nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan này, nhà thơ Phong Việt khẳng định lỗi đầu tiên thuộc về người viết thơ. Tác giả tập thơ Đã đi qua thương nhớ bày tỏ: “Chúng ta không viết được những câu thơ hay, những câu thơ chạm đến cảm xúc của mọi người như là những thế hệ của những bậc tiền bối trong làng thi ca Việt Nam như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính,…”.
Lý giải cụ thể về việc các nhà thơ hiện nay ít chạm đến cảm xúc số đông vì hầu hết các tác giả chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng thiểu số yêu thi ca. “Tôi nghĩ có lẽ những nhà thơ Việt Nam hiện đại không nghĩ đến độc giả số đông. Đôi khi họ nghĩ quá nhiều đến sự sáng tạo cá nhân. Tương tự việc chúng ta hay nói về sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho thị trường với sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho nghệ thuật, cho những người chuyên môn thì tôi nghĩ rõ ràng là thơ ca bây giờ phục vụ cho thiểu số nhiều hơn đa số”, nhà thơ Phong Việt nêu quan điểm.
Trước sự phân cực nghiêng về các tập thơ nghệ thuật vị nghệ thuật thay vì thơ ca nghệ thuật vị nhân sinh, nhà thơ Phong Việt cho rằng đây là điều không tốt. “Trong một thời đại có quá nhiều phương tiện giải trí khác nhau thì cá nhân tôi thấy điều đó không tốt”, nhà thơ Phong Việt thẳng thắn.
Đồng tình với nam nhà thơ, đạo diễn Lê Hoàng khẳng định giữa muôn vàn sự giải trí nếu mọi người không chọn thơ thì bản thân nhà thơ nên xem xét lại bản thân mình. Nam đạo diễn chia sẻ thêm: “Một sản phẩm có giá trị chỉ khi được xã hội công nhận. Đôi khi sự công nhận không đo bằng tiền và cũng không ngay hôm nay. Nhưng nếu đến 100 năm sau mà sản phẩm cũng không được công nhận thì vô nghĩa. Tuy chúng ta không thể mang những thước đo đấy áp vào nghệ thuật, nhưng dù sao vẫn nên có thước đo chuẩn mực đấy”.
Theo host Lê Hoàng, đã từ nhiều năm nay, số lượng thơ bán ra không còn tích cực như trước vì lỗi lớn nhất chính là thơ ca xa rời các vấn đề xã hội. Đồng suy nghĩ với nam đạo diễn, nhà thơ Phong Việt tâm sự: “Tôi nghĩ số lượng nhà thơ có thể bán được sách bây giờ không quá 10 ngón tay vì chúng ta không đáp ứng đúng nhu cầu người đọc. Bản thân người làm thơ phải thay đổi tư duy sáng tạo, bắt kịp xu hướng của độc giả”.
Có thể thấy, thơ là phương tiện biểu đạt cảm xúc tinh tế và sâu sắc nhưng ngày nay thường không thu hút được sự quan tâm lớn với công chúng như các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh,… Để thi ca giữ được sự trường tồn, bên cạnh việc thay đổi định kiến độc giả về thơ mà chính nhà thơ cũng cần thay đổi cách thức sáng tạo, phù hợp với xu hướng thời đại hiện nay.