Kịch sinh viên khai thác đề tài hóc búa: Những thân phận bị “bóp chết” bởi định kiến xã hội

Tiếp nối thành công từ các mùa diễn trước, cuối tháng 5 - đầu tháng 6 này, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn chính thức ra mắt Mùa diễn 08 với vở kịch “Buồn Hết Đêm Nay”. Lấy bối cảnh xứ sở hoa anh đào cùng đề tài định kiến xã hội, nghị lực sống và tình thân, vở kịch hứa hẹn đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc và những trải nghiệm tinh thần sâu sắc.

 

Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn là dự án thuộc CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Lần đầu tiên, sau 7 năm hoạt động, sân khấu dàn dựng và biểu diễn một vở kịch lấy bối cảnh Nhật Bản, mang tên “Buồn Hết Đêm Nay”. 

 


“Buồn Hết Đêm Nay” được cảm tác từ “Thư” - tiểu thuyết văn học nổi tiếng do tác giả người Nhật Higashino Keigo chấp bút. Vở kịch kể về cuộc đời của nam thanh niên Naoki. Anh trai của Naoki là Tsuyoshi, vì phạm tội cướp của giết người mà bị tống giam vào tù, để lại một mình Naoki phải chịu nhiều lời gièm pha, chật vật với định kiến xã hội. Cậu bị những định kiến ấy tước đi cơ hội học tập, việc làm, tình yêu và đam mê của bản thân... Mỗi tháng, Naoki đều nhận được một lá thư do Tsuyoshi gửi đến, nhưng hơn ai hết, cậu chính là người muốn cắt đứt mọi liên hệ với anh trai mình. Theo dõi hành trình cuộc đời của Naoki, khán giả sẽ có dịp suy ngẫm về định kiến xã hội, nghị lực sống và tình thân - tình yêu - tình người.

 

Nói về nguồn cảm hứng khi sáng tác kịch bản, Đức Huy - biên kịch, đạo diễn dàn dựng - chia sẻ: “Càng đọc ‘Thư’, mình càng thấy câu chuyện về những biến cố trong cuộc đời nhân vật chính như một bản nhạc buồn, thống thiết nhưng cũng rất tinh tế và đẹp đẽ. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để mình ấp ủ một kịch bản được cảm tác từ nỗi đau của nhân vật chính trong truyện. Chúng mình đã đào sâu đến tận cùng tâm lý nhân vật để khai thác câu chuyện một cách hiệu quả nhất, lồng ghép những ý tưởng phản biện liên quan tới hai chữ ‘định kiến’. Tất cả những góc nhìn này, chúng mình không khẳng định đâu là đúng, đâu là sai mà chỉ bày biện ra để khán giả cùng lắng nghe và suy ngẫm”.

 

Từ tiểu thuyết “Thư” đến kịch bản sân khấu “Buồn Hết Đêm Nay” là cả một hành trình “thay da đổi thịt”. Chia sẻ về quá trình chấp bút tạo nên tác phẩm, Hoàng Khôi - đồng biên kịch, diễn viên vở kịch - nói: “Khi viết kịch bản, mình không chỉ phải sáng tạo tình huống, thoại, hành động, mà còn cần nghĩ ra bối cảnh hợp lý để mạch chuyện được diễn ra logic khi mang lên sân khấu. Chúng mình nỗ lực giữ lại những tình tiết tinh túy của tác phẩm gốc, song vẫn tạo ra nhiều mới lạ”.



 

Bên cạnh đó, biên kịch Đức Huy còn chia sẻ thêm về thông điệp được gửi gắm vào vở kịch: “Buồn Hết Đêm Nay sẽ là một sự xoa dịu dành cho các bạn, tiếp thêm động lực để các bạn vượt qua những ánh mắt và lời nói phán xét, để các bạn được là chính mình, vững vàng theo đuổi mục tiêu trong cuộc sống”. 

 

Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn đã đi qua 7 mùa diễn nhưng đây là mùa đầu tiên vở kịch được lấy bối cảnh nước ngoài. Vì đều là sinh viên không chuyên làm kịch nên việc các thành viên tiếp cận với văn hóa nước ngoài chỉ đơn giản là tìm hiểu gián tiếp thông qua mạng xã hội và sách báo. Do đó, “điều khó khăn nhất là làm sao để khán giả hình dung được không gian văn hóa, phong cách sống của Nhật Bản thông qua đạo cụ và cảnh trí trên sân khấu”, Hồng Hạnh - Phó Ban Sản xuất chia sẻ. 

 

Như Quyên - Trưởng Ban Phục trang cũng tâm sự: “Việc tìm tòi, tham khảo phong cách ăn mặc của người Nhật để phục vụ cho vở diễn mất kha khá thời gian vì phải cân bằng giữa đặc trưng thời trang Nhật Bản với sự phù hợp về tính cách và hoàn cảnh nhân vật. Nhưng nhìn chung, tất cả các thành viên luôn nỗ lực mang lại cho khán giả những trải nghiệm chân thực nhất về bối cảnh Nhật Bản khi thưởng thức vở diễn”.



 

Đặc biệt, những khâu khó nhằn như kỹ thuật ánh sáng cũng được thực hiện bởi chính các thành viên CLB. Triệu Vy - Phó Chủ nhiệm CLB, chịu trách nhiệm thiết kế sân khấu và sáng tạo ánh sáng, nói: “Chúng mình tự tưởng tượng không gian và bối cảnh để lên đường dây kịch bản ánh sáng. Vì là những người không chuyên, nên chúng mình phải tự tìm tòi và từng bước hoàn thiện để có được một kịch bản ánh sáng hoàn chỉnh, tránh phải sửa lại nhiều lần. Việc sáng tạo ánh sáng còn cần đảm bảo vừa mang lại trải nghiệm tốt cho khán giả, vừa giới hạn về số lượng và loại đèn nhất định để tối ưu kinh phí thuê đèn”.

 

Trải qua 7 năm hoạt động, CLB đang hoạt động với 9 thế hệ với khoảng hơn 30 thành viên hoạt động mỗi mùa. Ở thời điểm hiện tại, các thế hệ thấu hiểu nhau, phối hợp ăn ý như một ekip biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhờ “lửa” đam mê với kịch nói. Hồng Thiện - Chủ nhiệm CLB nói: “Tuy là sinh viên làm kịch nhưng các thành viên đều trong tâm thế mình đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa, nghiêm túc trên sân khấu”.

 

 

CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông thành lập vào năm 2017. Ban đầu chỉ là sân chơi của các bạn trẻ không chuyên, nhưng với niềm yêu thích kịch nói, các thành viên đã lập ra Dự án Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn với hy vọng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này đến với nhiều bạn trẻ hơn. Cho đến nay, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn đã tổ chức thành công 7 mùa diễn, ra mắt khán giả nhiều vở kịch dài ấn tượng như: Lá Hát Như Mưa, Nằm Khóc Một Mình, Trái Tim Hóa Thạch, Đạo Chích & Quốc Vương... Tất cả đều nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả và các cơ quan báo đài. Để đáp lại tình yêu thương ấy, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn đã, đang và sẽ luôn nỗ lực không ngừng để mang đến khán giả những tác phẩm kịch chỉn chu, giá trị và nhân văn.