Nghệ sĩ Ngọc Tuấn và nỗi niềm tìm hướng đi mới cho nghệ thuật múa rối

Trước khi trở thành nhà thiết kế phục trang nổi tiếng cho Nhà hát kịch Idecaf, Ngọc Tuấn từng gắn bó gần một thập kỷ với công việc diễn viên múa rối. Chia sẻ trong chương trình Kính Đa Chiều, Ngọc Tuấn tiết lộ anh từng ngâm mình liên tục hơn 12 giờ dưới nước để biểu diễn múa rối mà không có đồ bảo hộ.

 

Nghệ sĩ thiết kế phục trang Ngọc Tuấn được nhiều người biết đến là người “khoác áo” cho nhiều diễn viên tại sân khấu kịch Idecaf. Anh cũng là người đứng sau những trang phục cầu kỳ lộng lẫy của các nhân vật cổ tích trong chương trình Ngày xửa ngày xưa. Tuy nhiên, trước khi trở thành một nhà thiết kế phục trang, Ngọc Tuấn từng có khoảng thời gian gắn bó với công việc diễn viên múa rối gần một thập kỷ.

 

Chia sẻ trong chương trình Kính Đa Chiều, nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn bén duyên với công việc này từ những năm 1984 – 1985 khi được đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn – hiện là giám đốc sân khấu kịch Idecaf mời về làm diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Múa rối TP.HCM.




Khi đó, nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn chỉ biểu diễn rối cạn mà chưa có rối nước. Để có thể di chuyển và điều khiển con rối khéo léo, nam diễn viên phải tập luyện đôi tay thường xuyên. Thời điểm ấy, các con rối không được trang bị phần cơ để di chuyển như ngày nay, mà chỉ làm bằng những vật liệu đơn giản như bông gòn.

 

Về sau, đến vở diễn Nùng Phai Gau Dự (Bản tình ca trên núi cao) thì các con rối mới được cải tiến phần cơ, giúp các bộ phận như mắt, tay và đầu có thể di chuyển linh hoạt hơn. Điều này đồng nghĩa người diễn viên múa rối phải tập luyện thuần thục để có thể điều khiển các bộ phận khác nhau của con rối một cách sống động và chân thực. Nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn thổ lộ: “Người diễn viên vừa điều khiển đầu, điều khiển hai tay. Để diễn viên điều khiển được con rối thì rất stress và để có một đoạn diễn trên khung tranh thì đòi hỏi diễn viên phải luyện tập rất nhiều”. Cũng trong vở Nùng Phai Gau Dự, nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn tiết lộ đa phần các diễn viên vừa điều khiển vừa lồng tiếng cho con rối tương tự các diễn viên sân khấu. Vì vậy, người diễn viên đã tình cờ thổi hồn cho con rối trở nên sống động và gần gũi.

 

Theo nghệ sĩ Ngọc Tuấn, sau này các diễn viên múa rối thường biểu diễn với âm thanh thu sẵn nhưng trước đây diễn viên múa rối thường thoại trực tiếp cho nhân vật của mình. Thông qua quá trình luyện tập biểu diễn, diễn viên múa rối đã truyền tải cảm xúc, tính cách của nhân vật một cách chân thực và sâu sắc, biến những vật vô tri vô giác trở thành những nhân vật có cảm xúc.



Phân biệt sự khác nhau giữa rối cạn và rối nước, nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn cho rằng mỗi loại hình có những đặc thù riêng, trong đó, rối nước phổ biến hơn ở miền Bắc và dần được đưa vào miền Nam để phục vụ khán giả nơi đây.

 

Trước đó, nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn tiết lộ anh thường dành nhiều thời gian để xem các bậc tiền bối biểu diễn tại Nhà hát Múa rối Trung ương hay Nhà hát Múa rối Thăng Long. Theo dõi các nghệ sĩ biểu diễn, Ngọc Tuấn cảm thấy thích thú vì sự kết hợp mềm mại, lả lướt giữa rối nước và các câu hát, nhịp điệu gõ phách của nghệ sĩ chèo. Tuy nhiên, rối nước khi vào TP.HCM thì điều kiện kết hợp hát chèo bị hạn chế, buộc các diễn viên phải thu âm vào đĩa và bật lên mỗi khi biểu diễn. Đến năm 2007, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thành lập Trung tâm múa rối đầu tiên trong Đầm Sen, tiền thân của Nhà hát Rồng Vàng TP.HCM hiện nay.

 

Theo nghệ sĩ múa rối Ngọc Tuấn, ban đầu các diễn viên múa rối nước tại Đầm Sen đều không có đồ bảo hộ mà phải ngâm mình hoàn toàn dưới nước trong suốt thời gian biểu diễn. Nam khách mời kể: “Thật sự múa rối nước cực lắm, gần như toàn bộ diễn viên không có đồ bảo hộ nên phải ngâm mình dưới nước. Hồi xưa ở Đầm Sen diễn từ 10 giờ sáng cho đến 11 – 12 giờ đêm mà toàn bộ ngâm nước như mình cả ngày như vậy. Ngày đó yêu nghề nên tôi không nghĩ đến việc ảnh hưởng sức khỏe. Sau này, các diễn viên được trang bị nhiều hơn và có đồ bảo hộ để biểu diễn”.